Ô nhiễm môi trường từ sản xuất gạch nung?
Sản suất gạch nung đốt lò gây ô nhiễm cần phải chuyển đổi sang công nghệ gạch không nung là chủ trương của chính phủ Việt Nam qua quyết định 567 ban hành vào năm 2010.
Tuy nhiên vừa qua những chủ lò gạch Hoffnam tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương kêu cứu khi địa phương quyết định cúp điện sản xuất mà họ cho là đột ngột và gây thiệt hại kinh tế lớn.
Vì sao biện pháp thi hành một quyết định nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường như thế lại bị người trong cuộc phản ứng? Giới chuyên gia trong ngành có ý kiến ra sao?
Truyền thông loan tin
Mạng báo Pháp Luật Xã hội vào ngày 5 tháng 7 vừa qua có bài tựa đề ‘Hàng ngàn lao động mất việc từ động thái ‘khai tử’ lò gạch Hoffman ở tỉnh Bình Dương”.
Theo đó thì vào hai ngày 24 và 25 tháng 6 vừa qua lực lượng liên ngành huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương tiến hành cắt điện từng cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn huyện.
Bài báo cho biết cả chủ những cơ sở đang sản xuất gạch Hoffman và công nhân đều phản đối biện pháp cắt điện đó.
Chủ một cơ sở sản xuất gạch Hoffman được bài báo trích dẫn trình bày từ năm 2008 những người dân địa phương ủng hộ chủ trương của chính phủ theo quyết định 121/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020. Theo đó dân chúng địa phương vay vốn chuyển đổi từ lò thủ công lên lò ứng dụng công nghệ Hoffman của Đức. Số tiền đầu tư mà người chủ cơ sở sản xuất nói với phóng viên báo Pháp luật- Xã Hội là từ 5 đến 12 tỷ đồng cho một lò.
Theo người dân thì việc sản xuất theo quyết định vừa nêu phải được tiến hành cho đến năm 2020, tức còn 5 năm nữa. Tuy nhiên nay huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương nhất quyết ngưng ngay việc sản xuất của các lò gạch Hoffnam, và những chủ lò đang sản xuất loại gạch nung này nói là có dấu hiệu gì đó không minh bạch.
Người sản xuất phản ứng
Một người dân hiện đang sản xuất loại gạch Hoffman cho biết vì sao dân chúng địa phương vẫn còn làm gạch Hoffman mà không chuyển sang Tuynel như yêu cầu ban đầu của cơ quan chức năng địa phương cũng như suy luận của họ khi chính quyền kiên quyết chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương như sau:
“ Cũng vậy thôi, giống nhau mà; tại vì Tuynel thì nhiều khi phải đốt bằng than đá nên mắc tiền và ô nhiễm nữa mà trong nam đâu có than đá đâu; còn phải chở từ Hà Nội vô. Trong này có củi sẵn thì mình đốt củi cho khỏe. Những thứ đó mà không đốt thì đâu làm được gì, toàn ‘nhắm’ với ‘trà chôm’ không à! Dân người ta thường đốt để lấy tro để trồng loại cây khác hay đem bán thôi.
Nghe nói bên Tuynel cạnh tranh không lại nên họ thưa để dẹp bớt đối thủ. Vì chi phí của lò Tuynel cao quá, ra gạch bán không lại. Gạch là cái cấp thiết nhất trong xây dựng nên mình càng hạ giá thành thì người dân càng khoái. Trên thị trường có gạch không nung nhưng rất nặng và đắt tiền nên người dân không chuộng.
Họ lấy lý do ô nhiễm môi trường, nhưng lý do đó không xác đáng đâu nên người dân cũng kiện cáo tùm lum. Vì cái nào cũng ô nhiễm; xi măng cũng ô nhiễm vậy, lò Tuynel cũng ô nhiễm vậy. Chỉ có không làm mới không ô nhiễm thôi.”

Công nghệ Hoffman và Tuynel là gì?
Vậy gạch nung Hoffman và Tuynel có những khác biệt như thế nào? Chúng tôi nêu câu hỏi này với tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Khoa Vật Liệu Xây dựng, Đại học Xây Dựng Hà Nội, và được ông giải thích như sau:
“Hoffman là lò vòng, nó tích hợp các lò gián đoạn vào tạo thành một lò dạng vòng. Thì đây là đổi mới đầu tiên từ lò gián đoạn sang lò liên tục. Nguyên tắc của nó ngược lại với lò Tuynel tức lúc đó ngọn lửa chuyển động còn vật liệu đứng yên.
Những lò gián đoạn đặt cạnh nhau thì ngọn lửa đến chỗ nào thì nó sấy, nung ở đó; sau đó nó chuyển sang một lò khác. Tuynel thì ngược lại: cho tất cả vật liệu gạch… lên một wagon xong nó chạy; còn lửa thì đứng yên và được điều chỉnh bằng than hay dầu, điều chỉnh ở những vùng nhất định theo hệ thống nung và xe chạy đến đâu, nhiệt độ tăng lên đến đó. Sau khi chạy từ đầu này đến đầu kia ví dụ từ 95 đến 185 mét chẳng hạn của chiều dài lò thì khi ra đã thành viên gạch rồi. Còn lò Hoffman khi ngọn lửa chuyển sang nơi khác thì lấy gạch ra và đặt gạch khác vào; như thế là dạng bán gián đoạn’.”
Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm, phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cũng nêu ra khác biệt giữa hai dạng lò gạch Hoffman và Tuynel:
“ Có một cái khác nhau là đối với Tuynel nguyên liệu gạch được đưa vào một cách liên tục còn Hoffman theo mẻ. Lò Hoffman là một lò thủ công được cải tiến. Vì là lò cải tiến nên về mặt tiết kiệm năng lượng và chất lượng sản phẩm thì không thể nào bằng được lò Tuynel.
Nhiên liệu để nung gạch Hoffman có thể dùng than, dầu hay trấu và gạch Tuynel cũng vậy là đốt than, dầu, trấu. Trấu ít đốt nhưng một số lò gạch Tuynel cải tiến nay người ta đốt bằng trấu rồi.
Lò Tuynel là hình thức một lò hầm và người ta dùng xe goòng đẩy vào. Xe goòng này đi qua các zone nung, sau đó ra làm nguội và người ta có thể tận dụng khí nóng để sấy cho gạch’.
Tuy nhiên do phải đốt bằng các loại củi, than, dầu… nên cả hai loại lò này đều là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường và đây là lý do mà chính phủ Việt Nam ra quyết định đến năm 2020 phải chuyển đổi sang sản xuất các loại gạch không nung.
Chủ trương của chính phủ
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, trưởng khoa Vật liệu Xây Dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội nói về chủ trương này như sau:
“ Hiện nay chính phủ, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ những lò thủ công và những lò kiểu đứng, lò Hoffman sang các loại lò hiện đại liên tục hơn như Tuynel … Đó là một và thứ hai chuyển sang gạch không nung.
Mới nhất theo QĐ 567 thì sẽ chuyển đổi gạch không nung sang gạch nung từ tỷ lệ hiện nay là 80% ( gạch nung) và 20% ( gạch không nung) đến năm 2020 sẽ chuyển dần 40% ( gạch nung) và 60% ( không nung).
Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm cũng trình bày về hướng của cơ quan chức năng Việt Nam trong lĩnh vực gạch xây dựng không nung như sau:
“ Hiện nay Nhà nước Việt Nam đang khuyến khích sản xuất và tiêu dùng gạch không nung, tức những loại làm từ xi măng, bê tông… tức các loại cốt liệu mà có thể sử dụng nguồn phế thải tro, xỉ để làm. Điều này đang được rất khuyến khích và luật ra là từ năm 2017 đến năm 2020 thì tất cả những nhà cao tầng từ 9 tầng trở lên phải dùng gạch không nung. Lý do không sử dụng gạch nung nữa vì gạch nung làm từ đất sẽ là nguồn vật liệu không tái tạo. Thứ hai khi khai thác đất sẽ thì tạo ra những hố gây mất diện tích canh tác lúa. Lý do thứ ba khi nung thì phải đốt làm phí nhiên liệu và khí thải C02 gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn.
Vì vậy tại Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi dần sang gạch không nung, cấm lò thủ công là loại lò lãng phí năng lượng nhiều. Chỉ cho tồn tại theo thời điểm những lò gạch nung nhưng với công nghệ hiện đại hơn, tiết kiệm hơn như lò Tuynel.
Những gạch không nung gồm các loại gạch không nhẹ làm bằng bê tông cốt liệu, thứ hai là gạch bằng bê tông bọt thì nhẹ và thứ ba là gạch bằng bê tông khí. Hai loại nhẹ thì cách nhiệt tốt hơn và giảm tải trọng móng cho công trình xây dựng.”
Tuy vậy việc loại trừ hoàn toàn những lò gạch thủ công vẫn còn tồn tại ở một số địa phương trong cả nước, cũng như chuyển đổi sang những loại lò hiện đại, tiết kiệm hơn như tiến sĩ Mai Ngọc Tâm vừa phát biểu trong thời gian qua vẫn diễn ra chậm chạp.
Lý do được tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết như sau:
“ Hiện nay người ta quy ra bốn nguyên nhân. Thứ nhất là do chính sách Nhà nước, tiêu chuẩn, qui chuẩn… Thứ hai là năng lực của các nhà sản xuất và thói quen sử dụng như dùng gạch đỏ, màu sắc, dễ thi công công trình… Thứ ba là năng lực sản xuất, nhà máy, công nhân, dây chuyền nhập thế nào… và thứ tư là vấn đề vay vốn thế nào!”
Địa phương thực thi lệnh
Huyện Phú Giáo tỉnh Bình Dương khi tiến hành biện pháp cắt điện các lò Hoffman vào cuối tháng sáu vừa qua như thế có thể nói là địa phương đi đầu trong công tác buộc những cơ sở sản xuất gạch bị cho gây ô nhiễm phải ngưng ngay hoạt động đang bị lên án góp phần làm khí hậu Trái Đất nóng lên với những khí CO2 thải ra.
Tuy nhiên như truyền thông trong nước loan tin thì chủ các cơ sở sản xuất và người lao động vẫn không ‘tâm phục, khẩu phục’ vì cách làm mà họ cho là không minh bạch, thậm chí còn vì lợi ích của nhóm sản xuất khác mà không dành cho họ một lộ trình hợp lý và hỗ trợ đầy đủ để chuyển đổi.
Trước phản đối của các cơ sở sản xuất gạch Hoffman trong huyện và bất mãn của công nhân mất công ăn việc làm, chánh văn phòng huyện Phú Giáo, ông Trương Thanh Hóa, cho rằng chỉ thực hiện theo lệnh của cấp trên và đã có lộ trình cho doanh nghiệp chuyển đổi rồi:
“ Cái này đã có chủ trương và ủy ban nhân dân huyện thực hiện theo chủ trương của ủy ban nhân dân tỉnh. Phú Giáo theo lộ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa ra khá lâu rồi, và Phú Giáo làm là có gia hạn đến 3-4 lần rồi. Lộ trình và thời gian khá dài rồi và nay thực hiện theo ý kiến của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Việc này nếu muốn cụ thể, rõ thì liên lạc với ủy ban nhân dân tỉnh, còn huyện chỉ thực hiện những văn bản của ủy ban nhân dân tỉnh.
Phú Giáo cũng biết những vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp, cho sơ sở nhưng đã có thông báo lộ trình trước trong thời gian dài rồi nên đến giờ mới thực hiện chứ không phải muốn là làm liền. ( Chúng tôi) để cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ có thông báo, kể cả ủy ban nhân dân tỉnh cũng thông báo. Do đó doanh nghiệp nào chưa chuyển đổi vẫn còn công nghệ Hoffman phải ngưng hoạt động.”
Có thể nói tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều đơn vị sản xuất gây ô nhiễm môi trường; những chủ lò gạch Hoffman trước hết nhìn gần sang những cơ sở sản xuất cùng mặt hàng tại các huyện khác ngay trong tỉnh Bình Dương và rồi nhìn xa ra khắp các nhà máy công nghiệp ô nhiễm khác trên cả nước và thấy rằng biện pháp kiên quyết của huyện Phú Giáo là quá tay đối với họ.
(Nguồn: www.rfa.org)